Ở Tuyên Quang, hợp tác xã nuôi ong chất lượng cao Tân Trào (Sơn Dương) vừa thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm mật ong ngay thời điểm đầu năm 2019. Anh Triệu Sinh Tiến, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 500 lít mật ong. Toàn bộ lượng mật ong sẽ được bán cho khách du lịch khi đến tham quan các điểm di tích trên địa bàn xã. Trước đây, anh em trong hợp tác xã vẫn phải trả lời những nghi hoặc của khách hàng về nguồn gốc sản phẩm, giờ thì cả khách và chủ đều yên tâm hơn. Anh Tiến chia sẻ, có nhãn hiệu độc quyền, có truy xuất nguồn gốc, nhưng nếu chỉ giới hạn ở bao bì, nhãn mác thông thường thì hợp tác xã không thể giới thiệu hết về quy trình sản xuất và các chứng nhận chất lượng của sản phẩm đến người tiêu dùng.
Sản phẩm chè của Hợp tác xã chè Ngân Sơn -Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) đã được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Là một trong số 4 cơ sở chế biến chè của huyện Na Hang có thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc, Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái hiện đã đưa sản phẩm đến với một số thị trường lớn tại Hà Nội và tập trung vào sản xuất chè chất lượng cao với giá hơn 1 triệu đồng/kg. Anh Đàng Xuân Trân, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, trước đây, khi sản xuất còn nhỏ lẻ, nặng về tư tưởng “tự sản tự tiêu”, chỉ đến khi nhiều mới đem sản phẩm ra bán, thì việc xây dựng nhãn hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc không được anh em trong hợp tác xã đặt nặng. Nhưng từ khi tham gia vào thị trường, sản phẩm được khách hàng tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, cả thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng, thì việc dán tem truy xuất nguồn gốc trở thành yêu cầu bức thiết.
Năm 2018, Hợp tác xã Sơn Trà bắt đầu thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chè Shan đặc sản Hồng Thái. Anh Trân cho biết, từ khi sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc CheckVN, cơ sở không còn phải lo lắng trước những câu thắc mắc của khách hàng về vấn đề an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh đã biết đầy đủ thông tin của toàn bộ sản phẩm như quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm và hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 24 nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc. Trong đó, huyện Na Hang, Sơn Dương mỗi địa phương 4 sản phẩm; thành phố Tuyên Quang, Hàm Yên mỗi địa phương 5 sản phẩm, Yên Sơn 6 sản phẩm. Hiện có hai hình thức truy xuất gồm: Chứng minh nguồn gốc xuất xứ qua tài liệu hồ sơ giấy tờ; truy xuất nguồn gốc điện tử bằng mã QR Code hay mã vạch. Đây là việc hết sức cần thiết, tạo ra dòng chảy thông tin từ người sản xuất, đến người tiêu dùng. Với những doanh nghiệp đã làm ăn bài bản, không chụp giật, để xây dựng thương hiệu nhất thiết phải quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc và chứng minh được sản phẩm mình là an toàn đến người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh chia sẻ, tem truy xuất nguồn gốc được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chính vì vậy, thông qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, có chất lượng tốt sẽ dễ tiếp cận với khách hàng hơn, làm tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm.
Năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu có thêm ít nhất 15 nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc. Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa của địa phương và bảo vệ người tiêu dùng. Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển nhanh và mạnh theo hướng hàng hóa, sản lượng nhiều loại nông sản không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn đủ để xuất khẩu, thì việc dán tem truy xuất nguồn gốc góp phần quan trọng giúp nông sản địa phương có được tấm “giấy thông hành” đến nhiều thị trường hơn.
Nguồn: Baotuyenquang.com.vn
Chi nhánh HCM: Số 316 Lê Văn Sỹ, Phường 1, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại / Zalo: 0901 98 1789
Email: [email protected]