Ts. Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết theo xu hướng hiện nay, các nhà nhập khẩu trên thế giới luôn muốn biết sản phẩm được sản xuất từ đâu, đi qua những chỗ nào. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc hết sức thực tế, đòi hỏi hết sức gay gắt.
Tại Hội thảo "Tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản và thủy sản Việt Nam. Minh bạch thông tin - con đường phát triển bền vững" ngày 17/7/2013, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhận định: "Có một nghịch lý là trong khi người tiêu dùng (NTD) thắt chặt chi tiêu để vượt qua khủng hoảng kinh tế thì lượng tiêu thụ các sản phẩm giá rẻ của Việt Nam (cá tra tại thị trường EU là một ví dụ) lại giảm sút nghiêm trọng tại một số thị trường. Mặc dù Việt Nam có không ít nhà sản xuất uy tín, có chuỗi sản xuất và sản phẩm được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận khắt khe nhất, như: BAP, GAP, ASC, CS…, nhưng những thông tin hầu như không được truyền tải đúng lúc và đúng kênh đến người tiêu dùng".
Bán rẻ vì mù mờ thông tin
Trong thời đại thông tin nhưng hầu hết doanh nghiệp (DN) sản xuất nông - thủy sản của Việt Nam vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch đến người mua, coi đó là một công cụ hữu hiệu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Về phía cơ quan quản lý, mặc dù đã ban hành những quy định về khuyến khích cung cấp thông tin, thực hiện truy xuất nguồn gốc để hội nhập với thế giới, nhưng không ít cơ quan nhà nước vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc chủ động đưa thông tin đến các thị trường tiêu thụ quốc tế bằng những công cụ và phương tiện hiện đại, đồng thời góp phần giảm thiểu thủ tục cho DN.
Theo Ts. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD): "Mặc dù có vị thế xuất khẩu (XK) nông sản nhất, nhì thế giới nhưng thời gian qua, giá cả biến động mạnh, chúng ta hoàn toàn bị động vào thị trường. Hầu hết nông sản XK chưa qua chế biến. Trong toàn ngành nông nghiệp, tỷ lệ chế biến sâu mới đạt 10%. Vì vậy giá nông sản XK của Việt Nam luôn thấp hơn giá bình quân thế giới. Chẳng hạn, giá chè năm 2006 bằng 44% giá thế giới, năm 2012 bằng 59% giá bình quân thế giới; tương ứng, giá gạo là 88% và 79% giá bình quân thế giới, giá cà phê là 55% và 89% giá bình quân thế giới.
Theo ông Sơn, Việt Nam có 14 triệu nông dân sản xuất nhỏ lẻ. Vật tư nông nghiệp đầu vào từ DN sản xuất phải đi qua rất đông các đại lý rồi mới đến cửa hàng bán lẻ. Sản phẩm đầu ra của nông dân đến với DN tiêu thụ nông sản cũng phải qua một khối khổng lồ các thương lái. Nông dân, cả người tiêu thụ, tiêu dùng đều mù mờ thông tin về sản phẩm. Chính vì vậy, mặc dù là lực lượng chủ đạo sản xuất ra nông sản nhưng dù giá XK tăng hay giảm, nông dân vẫn được hưởng lợi rất ít. Đây là câu chuyện nan giải nhất từ trước đến nay.
Theo bà Huỳnh Lê Tâm - đại diện Tổ chức Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (CGF), với nhiều quốc gia trên thế giới, truy xuất nguồn gốc là một yếu tố quan trọng trong sản xuất thực phẩm. Tại EU đã đưa truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bắt buộc đối với các nước thành viên của EU từ ngày 1/1/2005.
Bước chuyển với truy xuất điện tử
Mỹ đã có Đạo luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA) ban hành tháng 1/2011, yêu cầu tăng cường theo dõi, truy vết thực phẩm và lưu trữ hồ sơ đối với thực phẩm nguy cơ cao (phải có hệ thống lưu trữ hồ sơ dễ tiếp cận, khi cần thiết có thể gửi tới cơ quan thẩm quyền trong thời gian 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan kiểm tra).
Tương tự, Canada cũng quy định hết sức nghiêm ngặt về việc dán nhãn, nhận diện sản phẩm, cơ sở sản xuất… Điều này cho thấy, nông sản Việt Nam muốn có chỗ đứng vững chắc tại những thị trường lớn này thì thực hiện truy xuất nguồn gốc là yếu tố sống còn.
Khác với phương pháp truy xuất nguồn gốc truyền thống được ghi chép bằng tay, lưu trữ bằng giấy tờ sổ sách, truy xuất nguồn gốc điện tử có nhiều lợi ích vượt trội: cung cấp dữ liệu một cách nhanh chóng và rõ ràng. Thông tin được yêu cầu trình báo mọi lúc, mọi nơi: trong hệ thống phân phối, tại cửa khẩu. Thông tin có thể thu nhận được qua đầu đọc kiểm tra mã số, mã vạch trên sản phẩm, máy tính bảng và điện thoại di động. Nhờ vậy, giúp giảm bớt gánh nặng tuân thủ luật pháp đối với các nhà nhập khẩu trong việc trình báo các nguồn thông tin.
Chi nhánh HCM: Số 316 Lê Văn Sỹ, Phường 1, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại / Zalo: 0901 98 1789
Email: [email protected]